Chùa Thiên Mụ là một trong những địa danh linh thiêng xứ Huế vẫn còn giữ được nét đẹp uy nghi, thanh tịnh và cổ kính bên dòng sông Hương... và đây còn là điểm du lịch hấp dẫn thu hút hàng ngàn người ghé thăm mỗi năm.
Thế nhưng, Chùa Thiên Mụ lại ẩn chứa một câu chuyện cực kỳ huyền bí, một lời nguyền tồn tại đến bây giờ... Thậm chí, nó đã làm chùn chân không ít cặp tình nhân dắt tay nhau đến tham quan ngôi chùa này. Vậy có hay không lời nguyền ấy và lời nguyền đó như thế nào? Cho đến hôm nay, điều đó vẫn mãi là điều bí ẩn.
Bí ẩn về lời nguyền "oán tình nhân" ở chùa Thiên Mụ
Chuyện kể rằng, khi chúa Nguyễn vẫn còn cai trị vùng Đàng Trong, và tình yêu đôi lứa vẫn còn nằm trong sự sắp đặt của cha mẹ, có cô gái con nhà quan danh giá, xinh đẹp đem lòng yêu một chàng trai mồ côi, lại nghèo khó. Mối tình vụng trộm của họ như con thuyền trắc trở không bến đỗ vì bị gia đình nhà gái ngăn cấm quyết liệt.
Quá đau khổ, đôi trai gái cùng nhau ra sông Hương tự vẫn, vì những tưởng sống không đến được thì chết sẽ bên nhau mãi mãi. Nhưng trớ trêu thay, khi trái tim chàng trai đã ngừng đập dưới đáy sông Hương sâu thẳm, cô gái lại may mắn dạt vào bờ và được những người địa phương tốt bụng cứu sống.
Gia đình cô gái tìm về, ép nàng lấy một vị quan nhất phẩm trong triều mà họ đã nhắm từ trước. Thời gian trôi qua, cô gái cũng dần nguôi ngoai nỗi buồn về người yêu cũ, thuận lấy chồng và sống một cuộc đời vinh hoa. Chờ người yêu mỏi mòn không thấy, oan hồn chàng trai uất hận cho số phận bất trắc của mình, bèn lang bạt vào chùa Thiên Mụ ngự trước mặt sông Hương, thề độc sẽ phá những đôi tình nhân đến đây viếng chùa. Có lẽ vì tích đó mà người ta truyền miệng nhau rằng, những ai còn cô đơn đến đây thành tâm cầu nguyện sẽ gặp được người thương, còn nếu có người yêu mà dắt nhau tới chùa, ắt sẽ đứt sợi tơ duyên.
Lời nguyền và câu chuyện này vẫn còn lưu truyền và dân gian đồn đại cho đến ngày nay. Thâm chí, nhiều người còn khẳng định bằng sự thật và chứng minh nó với những câu chuyện của người trong cuộc.
Nhưng theo nhiều sư thầy ngụ trong chùa thì lời nguyền được lý giải rằng:
Bên cạnh vẻ đẹp về kiến trúc cổ, thì chùa Thiên Mụ còn là chốn linh thiêng có khuôn viên rộng lớn, phong cảnh lý tưởng cho tham quan du lịch, thư thái tản bộ và ngắm cảnh. Có lẽ thế, mà lượng khách đến đây ngày càng đông. Nhưng điều đáng nói, nhiều đôi trai gái lại biến nơi tâm linh thành chỗ tình tứ, không phù hợp với cửa thiền ở chốn linh thiêng như thế này... và có lẽ "lời nguyền ở chùa Thiên Mụ" cũng xuất hiện từ đó để giảm bớt tình trạng ấy.
Nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía Tây, chùa Thiên Mụ chính thức được khởi lập vào năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Đây là ngôi chùa cổ nổi tiếng bậc nhất của khu vực miền Trung Việt Nam.
Bênh cạnh lời nguyền bí ẩn "oán tính nhân", chùa Thiên Mụ còn một điều đặc biệt khác đó chính là hai chiếc chuông còn lưu giữ còn lưu giữa ở chùa.
Một chiếc không bao giờ đánh được, đúc từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu năm Canh Dần (1710) nay đặt ở bên phải tháp Phước Duyên mang ý nghĩa như một pháp khí của chùa, giúp mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Còn một chiếc là nguồn gốc của tiếng chuông ở chùa, đúc vào thời vua Gia Long (1815) được đặt ở gác chuông nằm bên trái cổng chùa dẫn vào điện Đại Hùng phía trong.
Chuông có âm độ cao vút và ngân xa, hợp kim đúc thành chuông cũng rất đặc biệt, kết hợp cùng vị trí đặt chuông phần nào làm tiếng chuông có độ vọng với âm sắc vang xa, cao vút thấu đến lòng người.
Theo trụ trì Thích Trí Tự thì từ xưa đến nay, chuông chùa vẫn được đánh mỗi ngày hai thời (hai lần), vào 19h30 và 3h30. Không phải bất kỳ ai cũng đánh và đủ sức đánh được, bởi tiếng chuông Thiên Mụ phải đánh đúng 3h30 mỗi sáng trong một tiếng đồng hồ và bằng 108 dùi.
Với người thường, chắc chắn sẽ không làm chủ được bản thân để mỗi sáng thức dậy đúng giờ và đánh đủ 108 tiếng chuông trong 60 phút liên tục như vậy. Điều đó có nghĩa là người đánh chuông phải luyện tập và có sự say mê riêng thì mới thực hiện được liên tục trong thời gian dài mà vẫn giữ được nhịp đánh.
Vào thời nhà Nguyễn, chùa Thiên Mụ được xếp vào 20 thắng cảnh đất Thần Kinh với bài thơ "Thiên Mụ chung thanh" do đích thân vua Thiệu Trị sáng tác và được ghi vào bia đá dựng gần cổng chùa.
Bên cạnh những công trình kiến trúc độc đáo, chùa Thiên Mụ ngày nay còn là nơi có nhiều cổ vật quí giá không chỉ về mặt lịch sử mà còn cả về nghệ thuật như chuông đồng, những bức tượng Phật, Hộ pháp... hay những hoành phi, câu đối.
Cho dù lời nguyền ở chùa Thiên Mụ có thật sự tồn tại hay không, nhưng với phong cảnh hữu tình nơi đây, thật khó mà cưỡng lại được. Và đây chắc chắn là điểm đến không thể bỏ qua với mỗi du khách khi đến thăm xứ Huế, còn về chuyện lời nguyền bí ẩn kia - "tin hay không là tùy quan điểm mỗi người mà thôi!"